Giới thiệu sơ lược Chùa_Tây_Tạng

Một bàn thờ Phật bên trong chánh điệnCổng vào chùa

Chùa Tây Tạng do Thiền sư Minh Tịnh (còn gọi là Hòa thượng Chơn Phổ-Nhẫn Tế) [2] sáng lập vào năm 1928 với tên gọi Bửu Hương Tự (寶香寺). Lúc bấy giờ, chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật cất trên một ngọn đồi thấp có nhiều cây cổ thụ, để thiền sư tu tập và phổ độ chúng sanh [3]. Năm 1937, sau khi thiền sư Minh Tịnh vân du đất Phật trở về, mới cho đổi tên chùa thành Tây Tạng Tự.

Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, chùa Tây Tạng có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa ở xứ sở Tây Tạng.Bước vào phía trước cổng Chùa ta sẽ gặp hai câu đối do Thiền sư Minh Tịnh đặt với sự kết hợp rất nhịp nhàng hai tên trước kia và hiện nay của Chùa:
西歸獨妙天真寶/藏出含靈地正香
Tây quy độc diệu thiên chơn Bửu / Tạng xuất hàm linh địa chánh Hương
(Tạm dịch: Ngọc thật của trời độc diệu từ Tây lại/ Chánh hương của đất chứa linh thiêng do Tạng sinh),

Chánh điện có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp, tứ giác có chiều cao trên 15 m. Ở tầng thượng nóc chùa có 5 điện thờ 5 vị gọi là "Ngũ trí Như Lai", là 5 vị Phật của Phật giáo Tây Tạng.

Bên trong chánh điện thiết kế thờ phượng như một pháp hội khi Phật Thích Ca còn tại thế. Ở giữa điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 2,3 m. Chung quanh có chư Phật và Bồ tát ở các vị trí, như tầng dưới thờ Địa Tạng, Di Lặc; tầng kế thờ Phổ Hiền, Văn Thù; tầng trên thờ Quan Âm, Đại Thế Chí, v.v...